Tỉnh ủy chỉ đạo các sở ban, ngành và các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của HTCT trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi; trong đó, chú trọng chuyển biến mạnh mẽ công tác dân vận chính quyền nhằm hướng đến mục tiêu làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự chủ, khát vọng phát triển vươn lên, chủ động vào cuộc của đồng bào DTTS, miền núi. Tập trung xây dựng HTCT cơ sở gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ ở vùng đồng bào DTTS, miền núi vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Về một số chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang của tỉnh và vùng đồng bào DTTS được phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc và chính sách dân tộc; các chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS gắn với được bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
100% người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác đối thoại, tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định, kiến nghị của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH sau giám sát. Phấn đấu có 90% người dân vùng đồng bào DTTS được biết và được lấy ý kiến đối với các chương trình đầu tư, phát triển KT-XH tại địa bàn.
Có ít nhất 70% trở lên người dân trong độ tuổi lao động chuyển đổi được nhận thức trong “nếp nghĩ, cách làm”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực vươn lên, chủ động vào cuộc của đồng bào DTTS trong việc tích cực hưởng ứng và thực hiện các chương trình phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững.
100% chương trình, dự án đầu tư phát triển tại vùng đồng bào DTTS được phản biện, lấy ý kiến, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH các cấp và được công khai theo quy định; trong đó, có ít nhất 90% người dân trong vùng dự án được biết, được bàn, được tham gia, được kiểm tra, được giám sát và được thụ hưởng thành quả đầu tư.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nói trên, Tỉnh ủy đã đề ra các giải pháp là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận của HTCT trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi. Trong đó, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác dân vận chính quyền; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng trong toàn xã hội tham gia vào các hoạt động nêu trên. Nâng cao hiệu quả, chất lượng trong các hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm, kết nghĩa theo hướng thiết thực gắn với tạo sản phẩm cụ thể. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào DTTS với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Tập trung xây dựng HTCT vùng đồng bào DTTS, miền núi thật sự vững mạnh gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, tâm huyết với nhiệm vụ được giao và gương mẫu để đồng bào tin tưởng, noi theo. Trong đó, cần chú trọng công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc tại chỗ kết hợp luân chuyển cán bộ có năng lực, tâm huyết từ tỉnh, huyện về cơ sở và cử cán bộ ở cơ sở về công tác tuyến trên để tạo nguồn cán bộ ổn định, lâu dài. Chăm lo kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận, công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng theo các quy định. Có chính sách, chế độ đặc thù đối với cán bộ công tác ở vùng đồng DTTS, miền núi.
Quan tâm xây dựng con người vùng đồng bào DTTS, miền núi từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trước hết, tập trung hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào từng bước xóa bỏ tâm lý an phận, thỏa mãn, bằng lòng với cuộc sống hiện tại; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời, khơi dậy khát vọng về sự phát triển, tính chủ động, tự lập, tự chủ và chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của chính mình thông qua những hoạt động, việc làm cụ thể trong sinh hoạt, trong tổ chức sản xuất.
Chú trọng nâng cao trình độ dân trí, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng biên giới vừa đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình hiện nay; vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, lấy thế hệ trẻ hiện nay làm trung tâm, nhằm xây dựng, bồi dưỡng và tạo ra một thế hệ mới trong tương lai đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết phục vụ cho sự phát triển ổn định, lâu dài.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đối với công tác đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách; công tác quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc, các nhiệm vụ phát triển KT-XH ở vùng đồng bào DTTS, miền núi phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế và yêu cầu của sự phát triển.
Vận dụng khéo léo, nhuần nhuyễn các phong cách, phương châm, hành động về công tác dân vận trong thực tiễn, đó là: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân”; “Lấy niềm tin, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”; “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin”; “Dân cần cán bộ có, dân khó có cán bộ”; “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả"; “Gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; “Mưa dầm thấm lâu”…
Tổ chức phát động sâu rộng trong HTCT từ tỉnh đến cơ sở và vùng đồng bào DTTS, miền núi về cuộc vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và phù hợp với đặc điểm, điều kiện KT-XH, bản sắc văn hóa của từng vùng đồng bào. Căn cứ tình hình thực tiễn để lựa chọn một số đơn vị, địa bàn làm điểm để rút kinh nghiệm.
Tổ chức thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của HTCT; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chú trọng công tác nắm tình hình vùng đồng bào DTTS, miền núi gắn với tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, động viên, khích lệ tinh thần; tổ chức có hiệu quả hội nghị tiếp xúc, đối thoại hoặc lấy ý kiến Nhân dân về các vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH bằng nhiều hình thức phù hợp… Tập trung giải quyết những vấn đề mà Nhân dân vùng đồng bào DTTS, miền núi đang cần.
Đảm bảo nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng sâu, vùng biên giới một cách căn bản và bền vững.
Thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai của các cấp, các ngành trong HTCT, nhất là ở cơ sở. Nâng cao chất lượng trong việc tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết đề án để đánh giá, rút kinh nghiệm.
Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia vào cuộc vận động Nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra tại Đề án; chú trọng biểu dương, khen thưởng kịp thời; phổ biến các mô hình hay, những cách làm hiệu quả, gương đồng bào DTTS điển hình trong lao động sản xuất nhằm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm. Tiếp tục tuyên truyền, phát huy truyền thống đoàn kết, quan hệ thân tộc, đồng tộc của đồng bào vùng giáp biên giới của nước ta với nước bạn Lào, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.