Chi tiết tin

A+ | A | A-

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam thời gian qua

Người đăng: Admin TTVHTTTT Nam Giang Ngày đăng: 10:30 | 19/08 Lượt xem: 85

Những năm qua, Chính quyền các cấp đã cụ thể hóa và có những giải pháp thiết thực trong việc gắn kết giữa công tác dân vận với công tác xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Theo đó, HĐND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện 05 dự án quan trọng đề ra tại Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy; ngoài ra, đã ban hành các chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS, như: Nghị quyết số 12 và Nghị quyết số 31về phát triển KT-XH miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.

      Cạnh đó, tăng cường giám sát các chương trình, chính sách liên quan đến sự phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, như: Tái định cư các dự án thủy điện, trồng rừng thay thế, sắp xếp dân cư, phát triển cây dược liệu... Thường trực HĐND tỉnh duy trì hoạt động giám sát thường kỳ giữa hai kỳ họp thông qua việc tổ chức các phiên họp thường kỳ; theo dõi, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành; giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh và nghị quyết của HĐND cấp huyện; chú trọng công tác rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc và miền núi. Hoạt động tiếp xúc cử tri sau các kỳ họp HĐND tỉnh đảm bảo theo luật định. Qua các hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu đã thu thập, tổng hợp nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri là đồng bào DTTS phản ánh gửi đến Thường trực HĐND tỉnh, các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết.

      

     UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Chính quyền các cấp đã đề ra các nội dung, giải pháp, tích cực đổi mới trong công tác dân vận chính quyền, nhất là nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ thông qua việc ban hành các văn bản và chỉ đạo các cơ quan nhà nước, chính quyền cơ sở, lực lượng vũ trang tổ chức triển khai thực hiện.

     Tổ chức các đoàn công tác, các buổi làm việc trực tiếp với các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS để nắm tình hình, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện gắn với chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, nhất là công tác bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở; phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu; công tác bảo vệ, phát triển rừng; phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng; công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… Chính quyền các cấp kịp thời tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên và tập trung khắc phục hậu quả đối với Nhân dân bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh…

       Hằng năm, nhân các dịp lễ, tết, chính quyền phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc; qua đó, đã tạo mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Cùng với đó, phối hợp tổ chức gặp mặt, biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc miền núi.

      Thông qua công tác dân vận chính quyền,  nhận thức của các sở, ban, ngành, địa phương và cán bộ, đảng viên về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác vận động đồng bào DTTS  được nâng lên. Đồng bào các DTTS đã có những thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, có sự nỗ lực vươn lên giảm nghèo bền vững.

       Đối với các lực lượng vũ trang, với mục tiêu là hướng mạnh về cơ sở và phục vụ Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS và miền núi; trong thời gian qua, công tác dân vận đã trở thành một nhiệm vụ công tác quan trọng, thường xuyên của các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các lực lượng vũ trang thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ giúp Nhân dân phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh đạt nhiều kết quả tích cực và tạo hiệu ứng xã hội sâu sắc, làm sáng ngời hình ảnh Bộ đội cụ Hồ, người chiến sĩ Công an Nhân dân trong lòng Nhân dân. Theo đó, Công an tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng công tác tranh thủ phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, củng cố thế trận an ninh nhân dân, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, nhất là thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng và thực hiện chuyên mục “thế trận lòng dân” để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới thuộc các huyện miền núi; nắm chắc những vấn đề liên quan đến tình hình nhân dân để kịp thời ngăn chặn, xử lý các tình huống phức tạp xảy ra, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn miền núi. Bên cạnh đó, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ về thực hiện dân chủ trong các lĩnh vực công tác công an, gắn thực hiện dân chủ với cải cách hành chính, việc thực hiện quy trình, chế độ công tác, điều lệnh Công an nhân dân, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; hướng dẫn các địa phương hằng năm tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”...

       Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho người có uy tín, già làng, trưởng thôn miền núi; chỉ đạo các đơn vị ở địa bàn có đồng bào DTTS phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, học tập tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ để thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào địa phương”; làm tốt công tác kết nghĩa với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, trường học trên từng địa bàn, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân dân.

      Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn hoạt động 153 chi bộ/30 đảng ủy xã, phường; 161 tổ chức CT-XH trên địa bàn biên giới; phối hợp cấp ủy địa phương kết nạp hàng trăm đảng viên mới; phát huy hiệu quả hoạt động của cán bộ, bộ đội biên phòng tăng cường các xã biên giới, giữ chức danh Phó bí thư Đảng ủy. Duy trì và phát huy hiệu quả mô hình đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, đã phân công 212 đảng viên phụ trách 1.066 hộ gia đình ở khu vực biên giới; duy trì thực hiện hiệu quả phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; phối hợp tổ chức tuần tra bảo vệ địa bàn, đường biên, cột mốc.

     Cùng với đó, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH các cấp đã phát huy được vai trò nòng cốt, không ngừng đổi mới, đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền gắn với phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, tạo sự đồng thuận, chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các chương trình, đề án về phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…vv.

       Triển khai thực hiện tốt các đề án, các cuộc vận động gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của đoàn viên, hội viên, yêu cầu nhiệm vụ của từng tổ chức.

         Đặc biệt, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch Covid-19, MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH các cấp phát huy vai trò nòng cốt huy động nguồn lực, kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ vật chất, tinh thần nhằm chia sẻ khó khăn với các gia đình bị thiệt hại do bão, lũ, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội

        Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Theo đó, chủ động lựa chọn nội dung, đối tượng và chủ trì giám sát nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2017 - 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức và tham gia 13.943 cuộc giám sát, tổ chức 985 cuộc phản biện xã hội. Các tổ chức CT-XH các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 9.434 cuộc giám sát; tổ chức phản biện xã hội 128 nội dung. Từ năm 2017 đến năm 2022, sau giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ban hành 3.687 văn bản kiến nghị với nhiều nội dung liên quan, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản. Trong đó, kiến nghị sau giám sát 2.136/2.702, đạt tỷ lệ 80%.

        MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH các cấp làm nòng cốt trong xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, làm cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng và Nhà nước. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị thông tin thành tựu phát triển KT-XH sau 25 năm tái lập tỉnh, triển khai các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chương trình của UBND tỉnh về định hướng phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS cho đại biểu là người có uy tín trong đồng bào các DTTS ở các địa phương trong tỉnh. Phối hợp tổ chức các hội nghị điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc miền núi gắn với biểu dương, khen thưởng đồng bào DTTS làm tốt công tác dân vận… khơi dậy tính tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, động viên, cổ vũ đồng bào vươn lên trong cuộc sống; lựa chọn, hiệp thương giới thiệu người có uy tín, tiêu biểu trong các dân tộc tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; đồng thời, phát huy vai trò của các nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc trong việc xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tác giả: Văn Thủy

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính quyền điện tử