Xuất phát từ đặc điểm, tình hình, kết quả công tác dân vận gắn với phát triển KT-XH ở vùng đồng bào DTTS trong thời gian qua và yêu cầu thực hiện trong tình hình mới; Tỉnh ủy Quảng Nam đã xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của HTCT trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2030”, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động mạnh mẽ, quyết liệt của cả Hệ thống chính trị ( HTCT); sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, đầy tâm huyết của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh trong việc thực hiện tốt công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, chú trọng vận động đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện các chủ trương về phát triển KT-XH gắn với thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào DTTS để phù hợp với đặc điểm, điều kiện và yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay; với đích đến là thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thông qua đó, thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là thực hiện bền vững các chương trình mục tiêu quốc gia, củng cố HTCT vùng đồng bào DTTS vững mạnh; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa... góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Xác định, đây là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế rừng, dược liệu, nông, lâm nghiệp và thương mại - dịch vụ; có nguồn tài nguyên rừng khá lớn, đất đai, địa hình sinh thái đa dạng, hệ động vật, thực vật phong phú, cảnh quan đa dạng, thiên nhiên kỳ thú, nhiều di tích lịch sử - văn hóa vật thể và phi vật thể; đồng thời, là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Các chương trình, dự án vùng đồng bào DTTS được quan tâm triển khai và đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, một số chương trình trọng điểm đầu tư phát triển miền núi theo các nhóm dự án thực hiện Nghị quyết số 05 và Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy, thông qua việc sắp xếp, bố trí dân cư và phát triển sản xuất, đã góp phần tích cực cải thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng HTCT vững mạnh, đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của tỉnh. Tuy nhiên, với địa hình phức tạp, chia cắt bởi đồi, núi, sông, suối..., lại chịu nhiều tác động khó lường của thiên tai, biến đổi khí hậu... dẫn đến khó khăn “kép” trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển KT-XH và cả trong việc khắc phục hậu quả thiên tai; là vùng dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động, chống phá Đảng và Nhà nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. So với mặt bằng chung của tỉnh, KT-XH vùng đồng bào DTTS phát triển vẫn còn chậm, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế vùng tại các địa phương, nhất là việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế rừng, làm giàu từ rừng; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu; nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nhà ở tạm bợ còn khá cao; chất lượng giáo dục còn thấp và chưa thực sự vững chắc. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm còn nhiều bất cập; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ở vùng sâu, vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Mức thụ hưởng văn hóa tinh thần của đồng bào còn thấp. Nhận thức, trách nhiệm và hành động của một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành về lãnh đạo thực hiện công tác dân vận gắn với tổ chức thực hiện các chính sách đối với DTTS, các nhiệm vụ về phát triển KT-XH trong HTCT ở vùng đồng bào DTTS chưa được đầy đủ, toàn diện, nhất là chưa có nhiều đổi mới và thiếu sự đồng bộ. Một số phong tục tập quán không còn phù hợp với quy định, với nếp sống mới vẫn còn tồn tại, duy trì trong một số vùng đồng bào; tâm lý an phận, thỏa mãn, bằng lòng với cuộc sống hiện tại vẫn còn diễn ra trong phần lớn vùng đồng bào nên trong chừng mực nào đó chưa có sự quan tâm đến việc tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế; một bộ phận đồng bào còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; khả năng tiết kiệm, tích lũy, tái đầu tư sản xuất trong đồng bào còn nhiều hạn chế.
Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, những năm qua; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy các huyện miền núi đã thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng HTCT trong sạch, vững mạnh ở vùng đồng bào DTTS thông qua việc ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề và tổ chức triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS có bước trưởng thành về mọi mặt; tinh thần trách nhiệm, lề lối làm việc, kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống được nâng lên; hầu hết cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ người DTTS tham gia công tác trong HTCT và được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng cao, công tác tuyển dụng được quan tâm; công tác quy hoạch cán bộ người DTTS được chú trọng, đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ và cơ cấu; công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS có chất lượng. Chính sách đối với cán bộ người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo động lực để cán bộ người DTTS yên tâm công tác.