
Giống như bao mái trường Phổ thông DTNT THCS khác, trường Phổ thông DTNT THCS Nam Giang cũng là ngôi trường đặc thù chuyên biệt, là mái nhà chung của các thành phần dân tộc Cơ tu, Ve, Tà Riềng, … mà ở đó được xem như “trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em” nên vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được xem như một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, cấp thiết. Chính vì thế, những năm qua, công tác giáo dục truyền thống về bản sắc của các dân tộc trên địa bàn luôn được nhà trường phát huy tốt, qua đó, giúp các em học sinh lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa qua mô hình giáo dục học này.
Để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, Trường PTDTNT THCS Nam Giang đã lồng ghép vào từng môn học các chương trình giáo dục bản sắc văn hóa địa phương, như trang phục truyền thống của các dân tộc, dạy những điệu hát, trò chơi dân gian, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc...
Thầy giáo Mai Tấn Lâm, Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Nam Giang cho biết: Trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, chúng tôi thường hướng cho HS gìn giữ nét văn hóa dân tộc được thể hiện thường xuyên qua hình thức tích hợp các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Ngoài ra, trong những năm gần đây nhà trường còn tổ chức phiên chợ tết vùng cao nhằm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, sản vật của khu vực miền núi. Qua đó, giúp các em hiểu được về giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, được tiếp cận và góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Trường PTDTNT THCS Nam Giang còn quy định mỗi em HS phải chuẩn bị ít nhất 2 bộ quần áo của dân tộc mình để mặc vào các ngày thứ 2, 4,6 hàng tuần, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể và các ngày lễ lớn trong năm. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa, sinh hoạt đội cho các hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, nhà trường còn thành lập đội văn nghệ thường xuyên tổ chức cho các em giao lưu văn hóa - thể thao trong trường và các trường bạn.
Giáo dục về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số cho học sinh qua hoạt động ngoại khóa không chỉ được thể hiện qua những hoạt động văn hóa, văn nghệ mà còn thể hiện ở một số hình thức khác. Đó là thiết kế phòng trưng bày hiện vật gồm những sản phẩm văn hoá của các dân tộc như trang phục, trang sức, vật dụng gùi, nỏ, cồng chiêng, đinh tút, …của các dân tộc để các em học sinh tham quan, tìm hiểu và sử dụng trong các ngày lễ hội.
Cùng với đó, việc sưu tầm, tập hợp, trưng bày, giới thiệu và gìn giữ những tài liệu, hiện vật có liên quan đến văn hoá dân tộc trong phòng truyền thống của nhà trường luôn được chú trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức để thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho giáo viên, nhân viên và học sinh. Đó cũng là cách để trực tiếp khơi gợi ở các em học sinh ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc từ ngàn đời của dân tộc.
Đặc biệt, hằng năm nhà trường tổ chức Lễ hội mừng lúa mới cho các em HS tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, như: thi văn nghệ, trang phục, các trò chơi, trò diễn truyền thống, nấu ăn, trưng bày gian hàng truyền thống...Qua đó, giúp các em hiểu hơn về các lễ hội truyền thống, những món ăn mang đậm bản sắc của địa phương mình để cùng nhau gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.