Chi tiết tin

A+ | A | A-

Nam Giang thực hiện hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách

Người đăng: Admin TTVHTTTT Nam Giang Ngày đăng: 9:01 | 09/08 Lượt xem: 108

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Nam Giang được đáp ứng kịp thời, qua đó đã góp phần đáng kể thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn không ngừng phát triển.

Ảnh: Lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam kiểm tra, giám sát các nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện

     Huyện Nam Giang có 26.686 người/7.459 hộ; trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 80,46% dân số toàn huyện.

     Sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40), Huyện ủy, UBND huyện Nam Giang xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để phát triển kinh tế - xã hội. Với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, qua đó, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm nhanh qua từng năm.

     Cùng với đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội để cung cấp thông tin chính xác, phản ánh kịp thời các hoạt động triển khai Chỉ thị 40; các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) ưu đãi; hướng dẫn tiêu chí bình xét đối tượng vay vốn, thủ tục vay vốn, phối hợp lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện.

     Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, nguồn vốn ủy thác của địa phương được cấp ủy, chính quyền quan tâm, hằng năm ưu tiên dành một phần ngân sách chuyển ủy thác sang NHCSXH để cho vay luôn tăng trưởng. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý phù hợp với thực tiễn, huy động được nhiều nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

     Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện theo tinh thần, chủ trương của Đảng “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cấp ủy, chính quyền cơ sở đưa nội dung vào chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của địa phương. Vì vậy, quy mô hoạt động tín dụng chính sách không ngừng mở rộng, chất lượng tín dụng được nâng lên toàn diện.

Ảnh: Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn người dân thủ tục vay vốn

     Ông Nguyễn Hữu Hải, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Từ khi bổ sung các đồng chí Chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện hội đồng quản trị (HĐQT) cấp huyện, đã góp phần nâng cao sức mạnh trong chỉ đạo, điều hành, từ đó được triển khai kịp thời đến người dân, khắc phục hiệu quả các tồn tại so với trước đây. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện mở 12 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn để NHCSXH tổ chức giao dịch an toàn, bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu đều được giải quyết cho vay và được tiếp cận đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

     “Thông qua hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới. Các chương trình TDCS đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép với công tác khuyến nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, tăng thu nhập. Thông qua hoạt động TDCS đã giúp cho chính quyền các cấp gần và sát dân hơn; giúp cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vay vốn từ NHCSXH tập hợp được đoàn viên, hội viên”, ông Hải cho biết thêm.

     Có thể thấy, Chỉ thị 40 đã mang đến “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy mạnh mẽ tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự chủ động trong phối hợp triển khai, đưa hoạt động TDCS ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả.

     Tính đến ngày 30/6/2024 tổng nguồn vốn 299.578 triệu đồng, tăng 34.998 triệu đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ TW 239.333 triệu đồng (tăng 25.580 triệu đồng so với đầu năm); Nguồn vốn huy động đạt 37.472 triệu đồng (tăng 5.718 triệu đồng so với đầu năm); Nguồn vốn từ ngân sách địa phương đạt 22.773 triệu đồng (tăng 3.700 triệu đồng so với đầu năm).

     Đến 30/6/2024 dư nợ đạt 258.959 triệu đồng, tăng 26.134 triệu đồng so với năm 2023, tốc độ tăng trưởng 13,4%.Tăng trưởng dư nợ tập trung vào một số chương trình như: Cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ SXKD vùng khó khăn…Số khách hàng còn dư nợ 5.128 hộ.

     Nguồn vốn TDCS đã đến được với tất cả hộ nghèo trong huyện đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn; góp phần chuyển biến nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

     Có thể khẳng định, đồng vốn nhân văn đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế bền vững không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Nam Giang mà hơn cả là vì sự phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trên ngay quê hương mình.

Tác giả: Văn Thủy

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính quyền điện tử