Khu vực Tiểu khu 322, xã Cà Dy được quy hoạch thuộc Vườn quốc gia Sông Thanh. Tuy nhiên, một phần diện tích đất người dân đã canh tác từ hàng chục năm trước. Để phục hồi lại rừng, Ban quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh đã kiên trì vận động người dân thôn Tà Đắc, xã Tà Bhing giao đất để trồng lại rừng. Nhóm hộ gia đình ở đây vừa giao gần 20 héc ta để vườn quốc gia trồng cây dổi ăn hạt và ươi. Ông Ría Yên đã bàn giao 4 héc ta đất và được nhận vào làm nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách, thu nhập mỗi tháng hơn 7 triệu đồng. Toàn bộ diện tích rừng này sẽ giao anh quản lý và sau này khai thác hạt dổi và ươi. Ông RÍA YÊN - Nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách Vườn quốc gia Sông Thanh tâm sự: “Sau khi được cán bộ Ban quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh tuyên truyền, gia đình tôi tự nguyện bàn giao đất để tái tạo, phát triển rừng bền vững. Mình đã phối hợp với Vườn quốc gia Sông Thanh để trồng và chăm sóc cây và được nhận vào làm, hưởng lương, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn”.
Từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Quảng Nam tái đầu tư cho các ban quản lý rừng trồng cây bản địa tại các lưu vực vốn người dân đã làm rẫy. Rừng lim xanh 2 năm tuổi này đã phát triển tốt. Những quả đồi bị cạo trọc dần được phủ màu xanh. Trước mắt, tỉnh Quảng Nam sẽ cấp kinh phí để trồng mới hàng trăm héc ta đất rừng mà người dân làm rẫy. Chặn đường người dân vào rừng tự nhiên làm rẫy, tỉnh Quảng Nam đã mở ra con đường mới để người dân có thu nhập ổn định dưới tán rừng. Ông ĐINH VĂN HỒNG - Phó giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết: “Đa phần diện tích này chúng tôi trồng lim và dổi. Diện tích này giao trực tiếp cho người dân quản lý. Nếu người dân trong tuổi lao động, chúng tôi hợp đồng vào để bảo vệ và phát triển rừng”.
Mỗi năm, tỉnh Quảng Nam thu trên 200 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, chủ yếu là các hồ thủy điện. Nguồn kinh phí này được tái đầu tư để thuê cộng đồng bảo vệ rừng và chi trả lương cho lực lượng giữ rừng chuyên trách và đầu tư cây giống cho bà con. Riêng tại các lưu vực lòng hồ, chính quyền địa phương và các chủ hồ thủy điện đã hỗ trợ giạo để người dân đủ ăn, chuyển đổi đất lúa rẫy thành rừng tự nhiên.