Ảnh: Thị trấn Thạnh Mỹ- Trung tâm kinh tế-xã hội của huyện
Phát huy truyền thống cách mạng
Ngược dòng lịch sử, năm 1948, trước tình hình đảng viên ngày càng tăng, địa bàn hoạt động phức tạp, việc sinh hoạt rất khó khăn và để thuận lợi cho việc lãnh đạo hoạt động phong trào cách mạng, yêu cầu phải có chi bộ Đảng.
Giữa tháng 5 năm 1948, Hội nghị thành lập chi bộ Đảng trên cơ sở chuyển tổ Đảng thành chi bộ và đặt tên là chi bộ Liên Sơn, từ đây dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, phong trào cách mạng ở địa phương được củng cố, xây dựng và từng bước được nâng lên về mọi mặt. Xuất phát từ tình hình đó, đồng thời để lãnh đạo công tác xây dựng căn cứ địa cách mạng miền nú, toàn huyện đã hình thành được 4 chi bộ với 57 đảng viên, trong đó có 7 đảng viên người dân tộc thiểu số, đây là tiền đề, là điều kiện để đi đến thành lập đảng bộ huyện.
Theo cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Văn Pháo, những ngày đầu mới thành lập, Đảng bộ huyện gặp vô vàn khó khăn, khi vừa xây dựng Đảng, vừa lãnh đạo nhân dân đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp. “Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự giúp đỡ của Huyện ủy Đại Lộc, huyện Bến Giằng đã từng bước khắc phục khó khăn, đoàn kết, chung sức đồng lòng đánh giặc, giải phóng quê hương và tuyên truyền chủ trương của Đảng, nhà nước đến với nhân dân” - ông Pháo nói.
Kế thừa truyền thống cách mạng, Nam Giang tập trung xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ông Lê Văn Hường - Bí thư Huyện ủy cho hay, Đảng bộ huyện luôn quan tâm, chú trọng công tác phát triển đảng viên mới. Theo đó, số lượng kết nạp đảng viên mới hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, toàn huyện đã có 54 chi bộ, đảng bộ cơ sở, với 3.018 đảng viên. Huyện ủy đã chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ xây dựng mô hình “Chi bộ 4 tốt”, “Đảng bộ 4 tốt” và "Chi bộ kiểu mẫu", tạo tiền đề để xây dựng đảng bộ vững mạnh.
Ảnh: Xây dựng mô hình "Chi bộ 4 tốt", "Đảng bộ cơ sở 4 tốt" được huyện Nam Giang chú trọng
Lãnh đạo phát triển đúng hướng
Những năm gần đây, Đảng bộ huyện Nam Giang ban hành Nghị quyết số 03 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và Nghị quyết số 11 về thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, làm nền tảng căn bản trong lãnh đạo, chỉ đạo. Từ đó tạo chuyển biến rõ nét bộ mặt kinh tế nông thôn của huyện, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay Nam Giang tập trung mọi nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đã đưa xã Đắc Tôi vào xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn trong giai đoạn 2021 - 2025; theo lộ trình xã Tà Bhing phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2024; xã La Dê và Đắc Tôi phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2025. "Nhờ việc triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp và các chương trình chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm, từ 69,12% năm 2011 xuống còn 35,58% vào cuối năm 2023. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, toàn huyện đã giảm được hơn 1.300 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt 4,46%; chất lượng y tế, giáo dục được nâng lên" - ông Chương cho hay.
Những năm gần đây, huyện Nam Giang tập trung đầu tư cho y tế, giáo dục, nhờ đó mạng lưới y tế luôn được củng cố và phát huy, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, đạt bình quân 9,5 bác sĩ/vạn dân, thuộc diện cao trong tỉnh; toàn huyện có 7/12 trạm y tế có bác sĩ, chiếm tỷ lệ 58,33%. Trên lĩnh vực giáo dục, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non đúng độ tuổi, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS. Bình quân hàng năm, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt hơn 97%; đến nay, có 17/26 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Cạnh đó, huyện tập trung xây dựng phong trào thôn, xã văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa gắn với triển khai Nghị quyết số 07 của Huyện ủy về "Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Nam Giang". Lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn được duy trì và phát triển. Lễ hội “Âm vang cồng chiêng” do huyện tổ chức 2 năm/lần ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thưởng thức.
Ảnh: Huyện Nam Giang chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với du lịch cộng đồng
Tự hào về 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng bộ huyện, thế hệ hôm nay càng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống, phát huy nội lực, tiềm năng hôm nay để làm rạng danh quê hương; trước hết là thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội XX Đảng bộ huyện trong năm tới. Nhiệm vụ đó đòi hỏi, các cấp ủy Đảng trên địa bàn huyện phải khơi dậy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của Nhân dân các dân tộc; tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, nhất là khai thác hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình MTQG để phát triển kinh tế xã hội địa phương; không ngừng củng cố đoàn kết thống nhất trong Đảng; lấy sự phát triển của quê hương, nâng cao đời sống nhân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các nhiệm vụ chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên định mục tiêu, giữ vững bản lĩnh vững vàng, không ngại khó, ngại khổ, tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo, chèo lái con thuyền đưa Đảng bộ và quê hương Nam Giang vững bước đi lên, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng.
“Nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện trong giai đoạn mới là rất nặng nề, song cũng vô cùng vẻ vang. Với ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, lòng dũng cảm và sự thông minh sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Nam Giang nguyện đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, viết tiếp những trang sử mới hào hùng, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, trở thành điểm sáng ở vùng núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam”.