Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2023-2030, đưa 400 lao động trên địa bàn huyện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bình quân mỗi năm khoảng 50/ lao động); tập trung vào các thị trường việc làm ở Lào, Nhật bản, Hàn Quốc,... Thúc đẩy mạnh mẽ gắn với quản lý chặt chẽ công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Theo đó, Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung nghiên cứu, tổ chức quán triệt, học tập Chỉ thị 20-CT/TW, kế hoạch này và các văn bản chỉ đạo có liên quan về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm nhận thức đầy đủ về mục tiêu, vai trò của công tác này để tập trung chỉ đạo thực hiện. Xác định rõ công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn, lao động đồng bào DTTS, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, là cơ hội để đào tạo người lao động về chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, tác phong, thái độ làm việc, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước theo tinh thần Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy.
Tập trung làm tốt công tác tư vấn, thông tin, tuyên truyền về các chính sách của Trung ương và địa phương về công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, để người lao động được tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ; xem đây là giải pháp giải quyết việc làm, đặc biệt là giúp người lao động nghèo, người có thu nhập thấp tìm được công việc ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Thực hiện đa dạng hóa các hoạt động thông tin, phù hợp theo các nhóm đối tượng cụ thể; chú trọng thông tin về thị trường lao động, các chương trình tuyển chọn lao động, thông tin các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Hoạt động thông tin, tuyên truyền cần chú trọng đến nhóm đối tượng cụ thể (người lao động, gia đình người lao động, bàn bè, người thân của người lao động); đẩy mạnh thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, thông tin qua hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, qua hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề…Cần tận dụng sức lan tỏa của các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook để đưa tin chính sách hỗ trợ của nhà nước, các thông tin về thị trường lao động, mức thu nhập của người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động; chú trọng thông tin tư vấn cho người lao động, ưu tiên lựa chọn những địa bàn, ngành nghề ở nước ngoài phù hợp với trình độ, thể chất, tập quán của mình để mạnh dạn đăng ký tham gia.